Sản phẩm "độc nhất vô nhị" từ lá sen của ông đồ
- admin
- 0
Anh Hoàng Trọng Tuyển (SN 1985) là họa sĩ, “ông đồ” khá quen thuộc ở nhiều hội chợ xuân tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa vào mỗi dịp lễ, Tết.
Dịp năm nay, anh mới đưa ra thị trường sản phẩm tranh được vẽ trên lá sen, do anh cùng người em cộng sự là anh Nguyễn Minh Quân (SN 1991) nghiên cứu, sáng tác.
Họa sĩ Tuyển cho hay, dù mới tung ra thị trường cách đây vài tháng, nhưng những bức tranh vẽ trên lá sen được nhiều khách hàng yêu thích và “nổ” đơn liên tục. Những ngày này, anh Tuyển cùng cộng sự luôn tất bật, hối hả sản xuất tranh trên lá sen để kịp giao hàng cho khách.
“Đây là sản phẩm khá mới mẻ và “độc nhất vô nhị” ở tỉnh Thanh Hóa. Những bức tranh được vẽ trên lá sen có độ tự nhiên cao. Lá sen có thể phối được với rất nhiều cảnh, hoặc vẽ thư pháp”, anh Tuyển chia sẻ.
Theo anh Tuyển, những bức tranh vẽ trên lá sen của anh đang bán từ 150.000 đồng (loại để bàn) đến 7 triệu đồng/bức (tùy kích cỡ và phối cảnh bức tranh). Dịp Tết, có ngày anh nhận khoảng 5 đơn, không kịp vẽ cho khách hàng.
Chia sẻ về ý tưởng vẽ tranh trên lá sen, anh Tuyển cho biết, trong một lần được người đồng nghiệp giới thiệu về những sản phẩm được chế tác từ lá sen, cảm thấy rất đam mê và anh đã nảy ra ý tưởng vẽ tranh trên lá sen.
Từ ý tưởng này, họa sĩ Tuyển bàn với anh Quân nghiên cứu cách chế tác lá sen thành phôi để sáng tác tranh. Thế nhưng, câu chuyện làm phôi lá sen không hề đơn giản, phải mất hơn một năm, hai người mới thành công.
“Hai anh em bỏ ra gần một năm để đi mua lá sen, thử nghiệm cách tạo phôi tranh bằng lá sen. Chúng tôi đã nếm vô số lần thất bại mới có được thành công như ngày hôm nay”, anh Tuyển chia sẻ.
Quá trình nghiên cứu làm phôi tranh từ lá sen, anh Quân là người đóng vai trò chủ chốt. Hàng ngày, anh Quân đi khắp nơi để thu mua lá sen rồi về nhà tự mày mò, tìm cách xử lý, tạo phôi.
Anh Quân cho biết, để có được một phôi lá sen hoàn hảo phải trải qua nhiều công đoạn. Lá sen được sử dụng phải là loại lá bánh tẻ (không non, không già quá). Thời điểm chọn lá thích hợp nhất vào đầu sáng hoặc cuối chiều.
Lá sen sau khi lấy về được hấp, sấy, làm mất chất diệp lục, sau đó là, ép làm sao cho lá phẳng. Quá trình ép thẳng lá sen phải đảm bảo giữ được nguyên vẹn đường nét của gân lá.
“Những đường gân trên lá sen rất đẹp, nếu vẽ trên giấy thì gân lá sen không được chân thật. Vì vậy, chúng tôi phải tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết để giữ được gân lá. Tuy nhiên, do lá sen là hình chiếc nón, muốn có phôi để vẽ phải làm cho phẳng mới sử dụng được. Tôi thường dùng bàn là để tạo độ phẳng cho lá, sau đó dán lá lên tấm xốp, tạo màu để hoàn thiện phôi”, anh Quân cho biết.
Theo anh Quân, trong những công đoạn nói trên, phẳng lá sen là công đoạn khó khăn nhất. “Nếu không khéo léo, lá sẽ bị rách, gãy gân lá. Có những lúc sơ suất, làm 10 lá mới có 1 lá thành công, được sử dụng làm phôi”, anh Quân nói.From: web game casino
Sau khi thành công với cách tạo phôi tranh bằng lá sen, ngoài kết hợp với họa sĩ Tuyển để sản xuất tranh, anh Quân còn nhận được rất nhiều đơn đặt hàng cung cấp phôi từ các họa sĩ và ông đồ trên cả nước.
Mặc dù chỉ mới đưa ra thị trường được 4 tháng nay, nhưng phôi bằng lá sen của anh Quân thường “cháy” hàng. Các phôi của anh làm tới đâu được nhập đi các tỉnh thành tới đó. Hiện giá nhập phôi lá sen của anh dao động từ 60.000 đồng đến cả triệu đồng/khung (tùy loại, kích thước).
Thời gian tới, anh Tuyển và anh Quân đang định hướng sẽ xây dựng thương hiệu tranh lá sen xứ Thanh để mở rộng mô hình.